Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng, tại sao những đêm trời quang mây bầu trời rất nhiều những ngôi sao lấp lánh, còn ban ngày thì hoàn toàn biến mất? Tôi sẽ trả lời cho bạn rằng, vào ban ngày, bầu khí quyền dày đặc của ta khuếch tán luồng ánh sáng mạnh chiếu tới từ mặt trời và vì vậy một mặt khiến cho bầu trời có màu xanh, mặt khác làm lu mờ mọi ánh sáng khác đến từ bên ngoài khí quyển. Ban đêm, không có ánh sáng từ mặt trời nên bầu khí quyển trở nên tương đối trong suốt và ta có thể nhìn thấy được ánh sáng đến từ những ngôi sao xa xôi.
Vậy đã khi nào bạn dành hàng giờ trên mái nhà của mình để nhìn ngắm bầu trời đêm và cố gắng đếm tổng số ngôi sao bạn nhìn thấy? Nó có thế là một vài, một vài chục, hoặc hàng trăm, phụ thuộc vào mức độ trong của bầu trời hôm đó và mức độ ô nhiễm ánh sáng đô thị nơi bạn ở. Trên thực tế, ước chừng có tới 10 ngàn tỉ tỉ sao trong vũ trụ và về nguyên tắc tại bất kì điểm quan sát nào ta cũng phải quan sát được ít nhất 1/3 trong tổng số sao và vẫn lên tới hàng ngàn tỉ sao. Bầu khí quyển không thật sự trong suốt, ô nhiễm ánh sáng là 2 nguyên nhân khách quan cùng với năng suất phân ly và độ nhạy sáng của mắt người kém là 2 nguyên nhân chủ quan khiến con người chỉ có thể quan sát được một số rất ít sao trên bầu trời đêm bằng mắt thường. Nếu chúng ta được sử dụng những kính thiên văn hiện đại hàng đầu bây giờ, ta có thể thấy được rằng ta không thể hướng ống kính tới bất kì vị trí nào mà ở đó không kín đặc các ngôi sao trong kính ngắm.
Thế giới các vì sao cũng giống như thế giới các hạt ngọc trai, có đủ các loại về kích cỡ cũng như độ sáng, nhưng về cơ bản chúng có cùng một cấu trúc. Để khám phá cấu trúc của một ngôi sao, chúng ta sẽ tìm đến với Mặt Trời - vì sao cao cả và sáng rõ nhất trên bầu trời của chúng ta.
Mặt trời là thiên thể khổng lồ nhất trong hệ mặt trời, chiếm tới 99,8% khối lượng toàn bộ hệ mặt trời. Tuy nhiên khi so với cả vũ trụ thì anh ta chỉ là hạng trung bình. Trung bình không phải về kích thước mà về khối lượng, cũng như sự phổ biến. Sao với kích cỡ và khối lượng như mặt trời thuộc loại phổ biến nhất vũ trụ.
Một vài số đo của Mặt Trời:
Bán kính: R = 700.000km (Bán kính Trái đất r=6400km)
Khối lượng: M ~ 200.000.000.000.000.000 tấn (hai trăm triệu tỉ tấn)
Hình dưới mô tả tương quan về kích thước của mặt trời so với một số thiên thể, sao nhỏ hơn và các sao lớn, khổng lồ và siêu khổng lồ nổi tiếng khác. Mặt trời của chúng ta về kích thước nếu so với sao Antares hay VV Cephei thì chỉ như một hạt vừng hoặc hạt cát đặt trên cái bánh đa.
Sau đây chúng ta hãy cùng giải phẫu một ngôi sao để hiểu được cấu trúc và hoạt động của chúng.
CẤU TẠO SAO VÀ CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA CHÚNG
Mọi vì sao trong vũ trụ đều được cấu tạo chủ yếu từ Hidro và He, trong đó Hidro chiếm đa số và là nhiên liệu chính của sao. Mặt trời cũng vậy, trong tâm mặt trời diễn ra phản ứng nhiệt hạch chuyển hóa Hidro thành He ở nhiệt độ 15.000.000 độ C theo phản ứng mình họa bằng hình dưới:
Mỗi phản ứng giải phóng 4MeV (mega-electronvolt). 1000.000.000.000 (1 nghìn tỉ) lần con số trên chưa đủ để bạn đun sôi 1 ấm nước pha mì. Tuy nhiên ta nhân với 8,9.1037 phản ứng trong mỗi giây ta được con số năng lượng khổng lồ về tổng năng lượng bức xạ của Mặt trời là P = 3,9.1026W mỗi giây.
Một phép ước tính chỉ ra rằng hiện nay mỗi ngày trên khắp trái đất, con người tiêu thụ năng lượng hết khoảng 50 tỉ W, vậy thì phải mất tới 21 ngàn tỉ năm thì con người mới tiêu hết số năng lượng mà Mặt trời bức xạ ra mỗi giây trong suốt hơn 4 tỉ năm qua. Vậy mà tôi và bạn cứ lo rằng đến một ngày con người sẽ không còn năng lượng để tiêu xài.
Khi tiếp tục nghiên cứu về sao, chúng ta cần quan tâm các đặc điểm trực quan của chúng. Bao gồm màu sắc, độ sáng và kích thước. Cả 3 đặc điểm này đều có mối quan hệ với nhau thể hiện ở bảng dưới đây
Đơn vị của những giá trị ở 3 cột bên phải là "số lần giá trị ấy của Mặt trời" ví dụ: Sao loại O có khối lượng 60, đường kính 15. Có nghĩa là có khối lượng gấp 60 lần khối lượng Mặt trời, đường kính gấp 15 lần đường kính Mặt trời. Dễ nhận thấy Mặt trời của chúng ta là loại G, có màu vàng. Các sao càng nặng thì có kích thước càng lớn, sao càng sáng và ánh sáng chúng phát ra ngả sang xanh da trời. Ngược lại các sao càng nhẹ thì kích thước càng nhỏ, độ sáng yếu và màu sắc ngả về phía đỏ.
Tuy nhiên bảng trên chỉ đơn thuần chỉ ra mối tương quan về màu sắc, khối lượng, kích thước và độ sáng của các sao ở dãy chính, tức là những sao đang ở pha ổn định hay pha trưởng thành. Các sao đang bước vào giai đoạn hấp hối có sự biến đổi rất nhanh chóng về kích thước và màu sắc do vậy không tuân theo logic bên trên và sẽ được xét đến sau.
ĐỘ SÁNG CỦA SAO
Độ sáng của sao là một đặc điểm hết sức quan trọng đối với ngành thiên văn học, do vậy, tôi phải viết in hoa và bôi đậm như là một đánh dấu vấn đề đáng theo dõi.
Độ sáng của sao được tính bằng Cấp Sao và được chia làm 2 loại: Cấp Sao biểu kiến và Cấp Sao tuyệt đối.
Cấp Sao biểu kiến là gì? Là thang đo xác định giá trị độ sáng của thiên thể nhìn thấy được trên bầu trời từ một điểm nhìn xác định (ví dụ thường lấy điểm nhìn ở Trái đất). Mức 0 là cấp sao của những ngôi sao có thể nhìn thấy được bằng mắt thường ở Trái đất và thiên thể càng sáng thì giá trị cấp sao biểu kiến sẽ càng nhỏ. Ví dụ: Thiên thể sáng rõ nhất trên bầu trời là Mặt trời với cấp sao biểu kiến -26,7. Thiên thể sáng thứ nhì là Mặt trăng với cấp sao biểu kiến -12,6. Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm: sao Thiên Lang (SiriusA) - 1,46.
Sao Thiên Lang (Sirius A) |
Cấp Sao tuyệt đối là gì? Là thang đo xác định giá trị độ sáng ở thiên thể ở cùng một khoảng cách quan sát là 10 pasec (1pasec = 3,26NAS = 31 triệu triệu km). Cũng như Cấp Sao biểu kiến, giá trị của Cấp Sao tuyệt đối càng nhỏ biểu thị độ sáng càng lớn. Thang này giúp ta xác định độ sáng thực tế của thiên thể một cách khách quan.
Ví dụ: Sao Thiên Lang có cấp sao biểu kiến -1,46, sao Rigel có cấp sao biểu kiến 0,12. Cấp sao tuyệt đối của Thiên Lang chỉ là 1,4 trong khi cấp sao tuyệt đối của Rigel là -7,1. Điều này cho thấy sao Rigel thực sự sáng hơn Thiên Lang rất rất nhiều lần.
Dưới đây là biểu đồ H-R do 2 nhà thiên văn Hertzsprung Ejnar và Russel Henry xác lập thể hiện mối quan hệ giữa màu sắc và độ sáng của sao. Thang đo bên trên là nhiệt độ bề mặt sao - Thang đo dọc bên trái là cường độ sáng so với cường độ sáng của Mặt trời - Thang đo bên phải là cấp sao tuyệt đối.
Có khoảng 90% số sao nằm ở dải chính của biểu đồ kéo dài từ góc dưới bên phải đến góc trên bên trái từ sao lùn đỏ đến sao khổng lồ xanh.
Các sao ở dải chính đều là các sao ở giai đoạn ổn định, chuyển hóa H thành He. Các sao bên góc trên bên phải là các sao siêu khổng lồ đỏ, có kích thước rất lớn. Cấp sao của chúng là 0 và nhiệt độ 6000K tới 3000K. Chúng là các sao đang bước vào giai đoạn hấp hối trong vòng đời của mình.
Các sao ở góc dưới bên phải là loại A-F : các sao lùn trắng nhiệt độ 8000-10000K cấp sao tuyệt đối +5 và kích thước nhỏ bé. Sao lùn trắng là các sao ở giai đoạn cuối cùng của vòng tiến hóa sao. Sẽ được làm rõ ở phần 2 của bài viết.
Mặt trời đang nằm trên dải chính, gần chính giữa của biểu đồ.
Mời các bạn đón xem phần 2 đăng sắp tới: Tiến Hóa Sao - Hố Đen, Sao Xung và Sao Lùn Trắng.
Thiên Thạch
______________________________
Copy bài viết từ blog xin chú thích rõ đường dẫn và tác giả.
cảm ơn tác giả vì bài viết nhé <3
Trả lờiXóa